Mình viết bài viết này tại thời điểm Tết truyền thống của Nhật đã qua và cái Tết Việt Nam đã gần kề. Và mình chợt nhận ra mình đã trải qua 6 cái Tết ở Nhật rồi.
Chắc tại thời điểm hiện tại, có nhiều anh chị em vì Corona mà không thể về Việt Nam ăn tết cùng gia đình và bạn bè.
Vậy ăn tết ở nhật khác với tết Việt Nam những gì, mọi người cùng tìm hiểu thông qua bài viết này nhé!?
Nhật Bản là đất nước ăn Tết dương như phần lớn các nước phương Tây khác và người Nhật cũng có những phong tục riêng mà họ chỉ làm vào những ngày này mà thôi.
Thứ 1: Gửi bưu thiếp chúc tết- Nengajo
Đây là một tấm bưu thiếp hình chữ nhật với hoa văn, hình ảnh bắt mắt liên quan đến con giáp của năm đó mà bạn có thể mua ở cửa hàng tiện lợi hay siêu thị, hiệu sách…vv.
Trên bưu thiếp chúc Tết Nengajo thường ghi những lời chúc tết tốt đẹp nhất dành cho đối phương. Đôi khi cũng kèm theo vài lời tổng kết về năm qua của bạn cùng lời cám ơn đồng thời mong được giúp đỡ vào năm sau.
Thứ 2: Dọn dẹp nhà cửa – Osoji
Không chỉ Nhật Bản mà mĩnh nghĩ bất cứ nước nào trên thế giới đều có phong tục dọn nhà để đón năm mới.
Phong tục này xuất phát từ quan niệm dọn nhà để xua đuổi những thứ không may mắn của năm cũ, sẵn sàng đón một năm mới tươi sáng hơn cùng sự ghé thăm của các vị thần.
Sắp xếp lại đồ dùng trong nhà, vứt đi những thứ không cần thiết và lau quét một vòng quanh nhà là những gì người Nhật làm vào ngày Osoji.
Thứ 3: Đi thăm mộ – Ohakamairi
Ở Việt Nam trước khi năm mới đến người thân của người đã khuất thường đi đến mộ và vệ sinh phần mộ. Thắp hương mong cầu bình an và mời người đã khuất về ăn Tết.
Tương tự thì người Nhật cũng vậy nhưng họ thường đi thăm mộ sau thời điểm giao thừa, thường là sáng mùng 1 hoặc mùng 3 Tết.
Thứ 4: Bữa ăn gia đình
Phần lớn người Nhật cũng làm ăn xa nhà và chỉ trở về quê mỗi dịp Tết mà thôi. Đây là cơ hội lớn để mọi người tập trung đông đủ cùng nhau dùng bữa và nói chuyện về những gì đã xảy ra trong năm qua.
Thứ 5: Lễ chùa đầu năm – Hatsumode
Vào thời điểm giao thừa hay buổi trưa mùng 1 người Nhật cũng thường đến các đền chùa, thần điện để cầu may mắn cho suốt một năm.
Số lượng người đi lễ chùa đầu năm rất đông và thường sẽ đi thành một hàng dài từ ngoài cổng chùa vào để lễ. Tuy đông người như vậy nhưng không hề có hiện tượng chen lấn xô đẩy và gây ồn ào.
Nếu nơi bạn đi lễ chùa đầu năm mà có cho bốc quẻ bói đầu năm (Omikuji) thì bạn nên rút thử nhé. Bốc phải quẻ không tốt thì bạn có thể buộc lại tại nơi quy định để giải vận và ngược lại thì bạn có thể mang về làm kỉ niệm.
Mình có đi lễ chùa đầu năm và bốc quẻ bói vài lần thì thấy quẻ bói khá chính xác như một số chùa lớn ở Việt Nam vậy.
Thứ 6: Tiền mừng tuổi – Otoshidama
Giống như ở Việt Nam thì ở Nhật cũng có phong tục mừng tuổi cho trẻ em với mong muốn đứa trẻ nhận được tiền lì xì sẽ có một năm phát triển mạnh mẽ, gặp nhiều may mắn.
Số tiền mừng tuổi ở Nhật cũng như ở Việt Nam không có một quy định nào cả mà tuỳ thuộc từng người sẽ khác nhau. Độ tuổi nhận tiền lì xì thì mình có nghe một đồng nghiệp nói là thường đến khi đứa trẻ học hết cấp ba thì thôi không phát lì xì nữa.
Thứ 7: 108 tiếng chuông chùa
Ở Nhật không có pháo hoa vào thời điểm chuyển giao giữ năm cũ và năm mới như ở Việt Nam nhưng có 108 tiếng chuông vang lên trên hầu hết các chùa khắp đất nước.
108 tiếng chuông này được tin là sẽ giảm bớt 108 dục vọng và nỗi thống khổ của con người. Đồng thời là dấu hiệu tiễn năm cũ đi để đón một năm mới tới với nhiều điều mới mẻ.
Khi nhìn lại 6 năm ăn tết tại Nhật thì mỗi năm trôi qua là một cái tết đầy ý nghĩa với mình. Chỉ mỗi việc không thể ăn tết cùng gia đình nên có đôi khi cũng mủi lòng và nhớ tết Việt Nam mình da diết.
Mình hi vọng một cái tết bình an, ấm áp và hạnh phúc.
Và lời cuối cùng, mình muốn chúc các bạn một cái tết Âm lịch thật ấm áp và bình an
Cảm ơn những điều tốt đẹp đã qua🌱